Các vi xử lý Intel thế hệ thứ 13 non-K đã ra mắt chính thức tại triển lãm CES 2023, bổ sung đầy đủ lựa chọn cho dải sản phẩm “Raptor Lake-S”. Nếu anh em chưa biết thì Intel có tặng kèm tản nhiệt cho CPU Core non-K, kể cả Pentium và Celeron, với tên gọi Laminar. Trong bài viết này mình chia sẻ trải nghiệm về tản nhiệt trong hộp Intel Core i9 13900(F) – Laminar RH1.
Intel Laminar được sản xuất gồm 3 phiên bản, hỗ trợ socket LGA 1700 (Alder Lake và Raptor Lake), trong đó Laminar RS1 dành cho Celeron G6900 và Pentium Gold G7400; Laminar RM1 trang bị cho Core i3/i5/i7 non-K; Laminar RH1 chỉ xuất hiện trong hộp Core i9 non-K. Về cơ bản anh em không thể mua riêng các tản nhiệt Laminar này, đặc biệt Laminar RH1 chỉ bán kèm vi xử lý Intel, trong khi RM1 và RS1 có thể bán số lượng lớn thông qua nhà phân phối. Laminar đánh dấu sự đổi mới trong thiết kế ngoại hình tản nhiệt của Intel – thứ mà thường được gọi là “stock fan/cooler” – lạ mắt hơn, đẹp hơn và nhìn có nét công nghệ tương lai.
Ở bên trong hộp đựng của Core i9 non-K thế hệ 13 sẽ có 1 hộp carton nhỏ, tông xanh cùng logo Intel trắng, chứa tản nhiệt và vi xử lý ở hông. Tản nhiệt nằm gọn bên trong, cố định tương đối chắc chắn.
Vẫn là hình dáng trụ tròn nhưng Laminar RH1 bổ sung thêm các vây tản nhiệt dày, cỡ lớn, kéo dài lên trên phủ cả phần quạt làm mát. Chiều cao của RH1 là 69 mm (từ đỉnh đến đế đồng), nghĩa là hơn độ dài Raptor Lake CPU chỉ 24 mm.
Đối với các vi xử lý Core i9 non-K, dù vẫn có PBP (Processor Base Power) 65 W nhưng sở hữu nhiều nhân, cùng mức MTP (Maximum Turbo Power) lên đến 219 W, Intel thiết kế Laminar RH1 với đế tiếp xúc bằng đồng. Nhiệt tỏa ra từ nhân CPU qua lớp IHS (Integrated Heat Spreader) rồi đến đế đồng và dẫn lên khối lá nhôm, cuối cùng đẩy ra môi trường nhờ quạt làm mát.
Trong khi Laminar RS1 và RM1 tiếp tục sử dụng chân gài quen thuộc thì Laminar RH1 sở hữu riêng 1 backplate kim loại cùng ốc cố định dạng thumbscrew, có thể vặn tay dễ dàng. Dù vậy anh em vẫn nên siết chặt bằng vít sẽ tốt hơn. Việc có backplate sẽ giúp hạn chế tình trạng cong bo mạch sau thời gian dài sử dụng, vốn rất thường gặp với dạng chân gài.
Thay đổi mang lại diện mạo khác biệt cho Laminar so với các đời stock fan trước đó, ngoài tổng quan thiết kế còn là ở cách lắp đặt quạt làm mát. Intel loại bỏ kiểu quạt với bộ khung 3/4 chân phía trên, úp xuống khối tản nhiệt như trước đây, đổi bằng kiểu quạt có chân phẳng bên dưới, cố định bằng ốc vào các lá nhôm, tương tự như quạt trên card đồ họa. Nhờ đó, tổng thể Laminar RS1/RM1/RH1 trông thoáng hơn, sạch hơn và chắc chắn là đẹp hơn nhiều. Cũng là quạt đi kèm nhưng nó đã mất đi phần nào “dáng vẻ stock fan” rồi. Đây là thay đổi đáng khen.
Laminar RS1 và RM1 có phần vây lớn bằng nhựa, cũng chính là phần khung cố định quạt, riêng RH1 là lá nhôm dày, khung nhựa tròn của quạt ngoài công năng cố định thì còn để tản sáng LED. Intel chỉ thiết kế LED RGB cho Laminar RH1 mà thôi, và đương nhiên dây cắm là loại 3 chân 5V, tương thích cũng như điều khiển hay đồng bộ hóa hiệu ứng với mainboard dễ dàng. Trên dây RGB cũng có tích hợp nút bấm tắt mở LED RGB, tuy nhiên chỉ có tác dụng khi không kết nối dây RGB, vì lúc đã cắm dây thì mainboard và phần mềm sẽ chiếm quyền điều khiển. Cả 2 dây kết nối đều được bọc lưới đen chắc chắn.
Intel chuẩn bị sẵn kem tản nhiệt trên các stock fan của hãng để người dùng sử dụng tiện hơn. Trong bài thử nghiệm này mình không dùng kem có sẵn mà đổi thành Thermal Grizzly Kryonaut.
Nhìn bình thường anh em sẽ không biết được điểm nhấn chỉ có riêng trên Laminar RH1 – logo Intel ngay giữa quạt. Hẳn nhiên nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là logo chẳng có gì đặc biệt, nhưng Intel thiết kế cho logo này đứng yên (hoặc chỉ dao động nhẹ khi tốc độ quạt thay đổi), và bên dưới còn có đèn LED nền. Kiểu thiết kế này gợi nhớ đến logo ở giữa mâm xe Rolls-Royce, chỉ lắc lư nhẹ khi xe di chuyển, và mình đoán là nó cùng 1 công nghệ – magnetic levitation. Đèn nền của logo luôn là màu trắng, ban đầu mình nghĩ, nó chỉ sáng khi quạt quay tạo ra điện động lực học, tuy nhiên thực tế ở phần đế quạt có 1 LED trắng riêng, không thể tắt. Anh em cũng sẽ gặp kiểu LED phát sáng bằng cơ chế kinetic generator trong power ball – banh tập cổ tay với con quay hồi chuyển bên trong.
Cấu hình thử nghiệm
- CPU: Intel Core i7-12700K
- Mainboard: ASUS ROG STRIX B660-G GAMING WIFI
- RAM: CORSAIR VENGEANCE DDR5-6000 2 x 16 GB
- SSD: GIGABYTE AORUS Gen 4 1 TB
Phòng thử nghiệm Intel Laminar RH1 có máy lạnh, nhiệt độ trung bình khoảng 28 độ C. Như đã nói, kem tản nhiệt sử dụng là Thermal Grizzly Kryonaut, và anh em thấy đế đồng của Laminar RH1 có hình tròn, do đó sẽ không phủ được 4 góc CPU nhưng không quá ảnh hưởng. Quạt hoạt động rất êm, kể cả ở tốc độ cao nhất (gần 3000 RPM). Khi cho Laminar RH1 chạy vượt công suất thiết kế với Core i7-12700K (PBP 125 W, tức gần gấp đôi), tản nhiệt vẫn chịu được ở những tác vụ thông thường, kể cả chơi game không quá nặng, nhiệt độ CPU rơi vào khoảng 85 – 90 độ C. Tuy nhiên Laminar RH1 sẽ “đuối” ngay lập tức với các tác vụ nặng về CPU như dựng hình, tính toán, ở ngưỡng package power tầm 140 W, vi xử lý sẽ nóng cỡ 98 độ C và rất dễ bị hạ xung. Nhắc lại lần nữa, thử nghiệm của mình là với Core i7-12700K có PBP gần gấp đôi thiết kế chịu đựng của Laminar RH1.
Nhìn chung, cá nhân mình rất thích những tản nhiệt của Intel, nhất là những phiên bản đặc biệt dành riêng cho vi xử lý dòng cao cấp. Ở phân khúc này, Intel rất chịu khó sáng tạo và đưa vào nhiều thiết kế riêng, không chỉ tạo ấn tượng ở ngoại hình mà còn có hiệu năng khá ổn. Laminar RH1 đi kèm với vi xử lý Core i9 non-K, cả Alder Lake-S lẫn Raptor Lake-S, không bán rời. Nếu anh em chịu khó săn hàng trên các sàn thương mại hay nhóm mua bán, tản nhiệt stock cho Core i9 này vẫn là 1 thứ đáng để thêm vào bộ sưu tập.