Chuột “bi” hay chuột cơ học chính là bài học rõ rệt nhất về chất lượng trong thực tiễn sử dụng. Chuột bi là dạng cho trỏ chuột có độ chính xác cao nhất khi thao tác. Nếu anh em game thủ đã từng chơi Gunbound và kéo drag bằng chuột bi, hẳn sẽ thấy độ chính xác cực cao với cảm giác tay cực kỳ chuẩn (chúng ta vẫn hay gọi là “tin tay” ấy). Tuy nhiên, mỗi khi viên bi bị bẩn hoặc mòn, độ chính xác chắc chắn bị giảm đi rất nhiều. Từ đó, chuột “quang” ra đời.
Trong thế giới sử dụng ánh sáng để quét bề mặt thay cho thế hệ chuột cơ học chạy bi, để cạnh tranh và quảng bá thông số đồng thời tham vọng nâng tầm công nghệ, bên cạnh các chuột quang học thông thường chúng ta còn nghe nói đến chuột sử dụng “mắt đọc” laser (la-ze). Vậy câu hỏi đặt vấn đề là: Chuột cảm biến quang học (optical) và cảm biến laser khác nhau như thế nào?
Bắt đầu từng bước một nhé
I. Cách thức hoạt động chung của cảm biến chuột optical và laser
Mắt đọc, hay chuẩn tên gọi kỹ thuật của hắn là cảm biến (sensor), đa phần là có cách thức hoạt động giống nhau: Hệ thống thu thập hình ảnh (IAS – image acquisition system) sẽ “chụp” lại hình ảnh bề mặt khi chúng ta di chuyển chuột với số lượng lên tới hàng-nghìn-hình-ảnh-trong-một-giây (frames-per-second). Sau đó lượng hình ảnh này sẽ được xử lý qua vi xử lý kỹ thuật số (digital system processor) nhằm xác định 2 giá trị (delta) Δx/Δy thông qua hướng và cường độ của chuyển động. Tới đây, các bộ điều khiển MCU (microcontroller unit) sẽ chuyển lượng thông tin này tới máy tính của chúng ta thông qua tín hiệu USB hoặc PS/2.
Δx/Δy: Là giá trị ở giữa các toạ độ trong không gian phẳng, một điểm trong không gian sẽ được xác định bằng toạ độ X – phương ngang và toạ độ Y – phương dọc. Ở đây, chuột sẽ dùng ít nhất 2 điểm có toạ độ cũ và toạ độ mới để xác định hướng di chuyển và tốc độ di chuyển.
CMOS: Viết tắt của “Complementary Metal-Oxide-Semiconductor” trong tiếng Anh, là thuật ngữ chỉ một loại công nghệ dùng để chế tạo mạch tích hợp. Công nghệ CMOS được dùng để chế tạo vi xử lý, vi điều khiển, RAM tĩnh và các cổng logic khác (như chúng ta vẫn hay nghe cảm biến CMOS trong máy ảnh).Razer Lancehead Wireless – laser gaming mouse
II. Tính chất ánh sáng
Chuột quang (Optical gaming mouse): Cảm biến sử dụng ánh sáng chiếu qua thấu kính để phát hiện chuyển động trên bề mặt. Với tính chất chiếu sáng trên diện rộng và mức độ hội tụ không cao, chuột quang sẽ chỉ đủ “sức mạnh” phục vụ quét chính xác các bề mặt có chất liệu không bị phản chiếu (thường được dùng với các loại mousepad vải hoặc nhựa nhám). Hiểu theo một hướng khác, cảm biến của chuột quang chỉ có thể quét chính xác lớp trên cùng của bề mặt di.
Chuột laser (Laser gaming mouse): Cảm biến loại chuột này sử dụng ánh sáng hội tụ cực mạnh, có thể quét chi tiết bề mặt rất sâu. Mục đích đầu tiên của công nghệ laser áp dụng cho cảm biến là để đọc được các bề mặt kính (hay các bề mặt phản chiếu nói chung thường rất khó để quét), bên cạnh đó là có thể tăng độ nhạy thực (DPI/CPI).
Nguồn: gamingscan.com
Nói thêm về công nghệ ánh sáng này, chuột quang hay chuột laser đều có 2 loại hình ánh sáng: Ánh sáng phát ra nhìn thấy và ánh sáng hồng ngoại (không thể nhìn thấy bằng mắt thường). Các loại chuột quang cổ điển thường có ánh sáng phát ra từ cảm biến dưới đáy (ví dụ như Microsoft IE 1.1, IE 3.0). Về sau này các loại chuột quang đều sử dụng ánh sáng hồng ngoại để tránh ánh sáng môi trường làm yếu ánh sáng cảm biến chuột gây ra hiện tượng quét bề mặt yếu hoặc không chính xác. Chuột laser thì 100% đều là hồng ngoại, khác với kiểu ánh sáng hội tụ như các đèn chiếu laser chấm đỏ phục vụ chiếu lên màn chiếu có thể nhìn thấy. Là ánh sáng hội tụ mạnh nên nhà sản xuất luôn khuyến cáo không được nhìn thẳng vào cảm biến vì sẽ gây hại cho mắt nhìn.
III. Cảm biến Laser, Optical phục vụ gaming sẽ thế nào?
Ngoài cảm biến laser Philips Twin Eye là một thế giới công nghệ hoàn toàn khác, tôi sẽ không để cập tới ở đây để tránh nhiễu loạn thông tin Chúng ta hãy cũng bàn bạc tới thế giới laser với cách hoạt động như đã mô tả tính chất ánh sáng ở trên.
Chúng ta vẫn cứ lầm tưởng laser là công nghệ cao cần thiết cho đồ chơi cao cấp, hay sức mạnh quét bề mặt “trâu bò” là lợi điểm. Trên thực tế thì ngược lại, độ chính xác cao ở đây chúng ta cần là con trỏ ở trên màn hình, và độ chính xác cao khi tay ta có thể kiểm soát hoàn toàn con trỏ đó (hoặc nói cách khác là kiểm soát hồng tâm trong các game FPS) chứ không phải độ chính xác như những gì cảm biến laser quét quá kỹ bề mặt. Từ những cái quá kỹ đó mà chuột thu lại được những thông tin “rác” khi mà “nhìn” quá kỹ những gì chưa hoàn hảo ở bề mặt di. Một gaming mousepad cao cấp bằng vải chắc chắn sẽ rất hoàn thiện ở lớp bề mặt trên cùng, nhưng vẫn không thể hoàn hảo ở các lớp sợi đan hay thấp hơn thế, cảm biến laser sẽ đọc được cả lớp bề mặt không hoàn hảo này. Đó là lý do vì sao laser gaming mouse luôn được khuyên dung với gaming hardpad (mousepad cứng có bề mặt bằng nhựa hoặc nhôm) để có độ chính xác cao nhất do gaming hardpad có bề mặt hoàn thiện tiệm cận sự hoàn hảo, và không có các lỗ hổng hay các lớp chồng lên nhau của sợi đan như gaming mousepad bằng vải. Với tốc độ di cao liên tục, cảm biến laser sẽ cho chúng ta sự yên tâm tạm thời. Còn nếu di chậm? Cảm biến laser sẽ có thời gian để “đọc” kỹ bề mặt, và rồi “nhảy đầm” cho chúng ta xem như hình dưới đây.
Cái đường di bị gai này ta gọi là mouse jitter nhé
Ngược lại so với Laser, cảm biến Optical với cái cách chiếu sáng như đã mô tả ở đầu bài chỉ quét lớp trên cùng của bề mặt di. Do đó các loại Optical gaming mouse luôn phù hợp mạnh mẽ với mọi loại pad vải, đường di luôn mịn, không có độ rung hay gai. Theo thời gian, công nghệ được đầu tư mạnh cho cảm biến Optical, các loại gaming mouse sử dụng cảm biến đời cao nhất và cho độ ổn định tốt nhất hiện nay cũng đều là Optical chứ không có một bóng dáng nào của Laser. Có chăng cũng chỉ xuất hiện đại diện của Laser đã ra đời cách đây 6 năm như Avago A9800, và tồn tại lỗi gia tốc cực nặng sinh ra trong quá trình ghi nhận sai giá trị Δx/Δy (lỗi mà tất cả các cảm biến Laser đều dính).
Cảm biến quang học cao cấp ít bị jitter hơn, đường di mịn hơn.
(Cảm biến TrueMove 3 của Steelseries)
Tổng kết
Trên thực tế sử dụng cho gaming, không một game thủ nào cần độ chính xác cao lại di chuột trên mặt bàn hay bề mặt không được tối ưu hoá về chất lượng. Mọi chuột gaming đều đi liền một mousepad gaming phù hợp với nhu cầu và thói quen mỗi game thủ. Như đã phân tích ưu nhược ở trên, ngoài việc có thể đẩy cao độ phân giải thì cảm biến gaming Laser sẽ không có lợi ích gì hơn so với các cảm biến gaming Optical. Mà ngay cả với nhu cầu hiện tại, hiếm có ai sử dụng quá mức 5000DPI, mức mà những cảm biến gaming Optical cao cấp đã thừa đáp ứng. Do vậy, đế chế của Optical gaming mouse đã được hình thành và vững chắc từ rất lâu cho tới tận thời điểm hiện tại.