Tản nhiệt kim loại – Lý thuyết và thực tế

Có thể bạn đã làm được nhiều thứ trong cuộc chiến chống lại sức nóng như mua thùng máy bằng nhôm đắt tiền hay bột tản nhiệt với chiếc quạt khổng lồ, hay thậm chí sử dụng tản nhiệt nước… Nhưng dù thế nào, luôn có những cách tăng thêm độ mát của CPU, GPU hay bất kỳ chip xử lý nào bên trong máy tính.

Thủ thuật ép xung đã trở nên quen thuộc với người dùng máy tính. Ngày càng có nhiều diễn đàn, trang web… đăng tải nhiều thông tin trợ giúp người dùng tận dụng tối đa được sức mạnh của bộ xử lý (BXL) mà họ đang sở hữu. Chính điều này đã thúc đẩy nhu cầu về tản nhiệt cao cấp nhằm đáp ứng không chỉ cho giới ép xung (overclocker) mà còn cho những bộ xử lý hiện đại có cấu trúc phức tạp và nóng hơn. Thị trường tản nhiệt vào thời điểm này khá sôi động, những mẫu sản phẩm mới rất độc đáo và sáng tạo về thiết kế xuất hiện mỗi ngày. Mặc dù đa số tản nhiệt được tạo ra từ kim loại đồng hoặc nhôm nhưng một số nhà sản xuất đã tung ra “hàng độc” sử dụng thậm chí cả vàng hay một số kim loại quý khác. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những khái niệm cơ bản về tản nhiệt cho máy tính để bàn.

Những ai chơi ép xung trên máy tính đều muốn đẩy tốc độ BXL của họ lên cao hơn một chút: 400MHz vẫn chưa đủ, phải là 401MHz, 402MHz… Dĩ nhiên tốc độ lên càng cao thì nhiệt lượng tỏa ra càng nhiều. Chỉ cần chênh nhau 1 độ C cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với máy tính, đôi khi là lằn ranh sống/chết của thiết bị. Có thể bạn đã làm được rất nhiều thứ trong cuộc chiến chống lại sức nóng ví dụ như mua những thùng máy bằng nhôm đắt tiền, “lùng” được bộ tản nhiệt tuyệt vời với chiếc quạt khổng lồ, hay thậm chí sử dụng tản nhiệt nước… nhưng dù thế nào, luôn có những cách tăng thêm độ mát của CPU, GPU hay bất cứ chip xử lý nào bên trong chiếc máy tính.

NHỮNG CHÚ Ý KHI LỰA CHỌN TẢN NHIỆT

1. Chất liệu tốt:

Kim Loại

Dẫn nhiệt (W/cm-K)

Đồng

3.837

Nhôm

2.165

Bạc

4.173

Vàng

2.913

Kim Cương

6.299

Kim loại có tính dẫn nhiệt tốt luôn là nguyên liệu ưu tiên. Chỉ số đo khả năng dẫn nhiệt của kim loại được tính bằng W/cm-K (watt trên centimét mỗi độ kelvin). Bên trong một khối kim loại, electron di chuyển tự do từ nguyên tử này sang nguyên tử khác. Việc di chuyển này càng dễ dàng thì khối kim loại đó sẽ dẫn nhiệt càng hiệu quả. Bạn có thể thấy kim cương và bạc có tính dẫn nhiệt rất tốt nhưng trên thực tế (xem bảng), đa số các nhà sản xuất đều sử dụng nhôm làm chất liệu chủ yếu. Lý do chính là do nhôm sẵn có, giá rẻ nhất và chế tác dễ dàng. Đồng càng ngày càng trở nên thông dụng và được dùng trong các loại tản nhiệt cao cấp. Mặc dù khả năng dẫn nhiệt của đồng cao hơn nhôm những việc gia công tương đối khó nên giá thành thường cao.

Một vấn đề nữa luôn được các nhà sản xuất quan tâm chính là tính chất đối lưu nhiệt kim loại. Nếu chỉ số dẫn nhiệt quyết định tới khả năng hấp thụ và truyền nhiệt lượng thì chỉ số đối lưu xác định tốc độ kim loại giải phóng nhiệt. Tốc độ nhiệt lượng phát tán vào không khí, chất lỏng hay gas cũng quan trọng. Và vì không khí hấp thụ nhiệt rất chậm nên quạt thường gắn kèm với khối kim loại để ép không khí lưu thông liên tục.

Yếu tố quan trọng cuối cùng ảnh hưởng đến chất lượng tản nhiệt là khả năng bức xạ. Bức xạ là hiện tượng phát ra và truyền đi của năng lượng dưới dạng sóng. Đối với tản nhiệt, năng lượng phát ra chính là nhiệt lượng. Nhưng vật thể màu đen hấp thụ nhiệt tốt hơn rất nhiều so với những màu khác, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn lấy sơn bôi đen bộ tản nhiệt đang sử dụng vì như thế sẽ giảm hiệu quả làm mát đáng kể do sơn trong trường hợp này đóng vai trò lớp chất cách ly.

Đồng là chất liệu chính cho sản phẩm tản nhiệt chất lượng cao nhưng bạn nên chú ý khả năng phát tán nhiệt của nó lại thấp hơn nhôm. Chính vì thế, đôi khi những sản phẩm kết hợp lõi đồng và cánh tản nhiệt nhôm lại cho hiệu năng cao hơn. Vấn đề chính vẫn là điểm giao tiếp giữa hai loại vật liệu phải được xử lý thật tốt. Nếu chọn đồng nguyên chất, bạn hãy lựa loại sử dụng heatpipe hoặc được gia công từ một khối đồng (Milled/Cut) tuy giá có cao hơn các loại khác nhưng rất đáng tiền.

2. Diện tích tỏa nhiệt lớn

Do nhiệt độ tản vào không khí từ bề mặt kim loại nên tản nhiệt có diện tích tiếp xúc với không khí càng lớn thì hiệu năng càng cao. Áp dụng vào thực tế, khi lựa chọn tản nhiệt, bạn nên để mắt tới những loại có nhiều lá kim loại và kích thước mỗi lá càng lớn càng tốt. Một số loại tản nhiệt còn sử dụng các lá gấp khúc.

Phần đế của tản nhiệt phải phẳng và nhẵn để tiếp xúc hoàn hảo với bề mặt CPU giúp cho nhiệt lượng có thể chuyển qua tốt nhất. Các lá cánh thường nằm song song hoặc có hình rẻ quạt để những luồng không khí từ quạt thổi có thể đi qua dễ dàng.

Để tăng sức hấp dẫn người dùng, những nhà sản xuất sử dụng công nghệ điện phân để thay đổi màu sắc của sản phẩm. Tuy về lý thuyết thì khả năng hấp thụ nhiệt có phụ thuộc vào màu tản nhiệt nhưng trên thực tế không có chút khác biệt nào. Hơn nữa khi mua bộ tản nhiệt, bạn không nên chỉ căn cứ vào vẻ bề ngoài để lựa chọn.

3. Quạt và thiết kế khí động học hợp lý

Một tản nhiệt tốt phải có cấu trúc sao cho không khí từ quạt thổi xuống không bị cản trở, đi qua đầy đủ góc cạnh của từng lá kim loại. Một số sản phẩm yêu cầu phải sử dụng chung với những loại quạt công suất lớn để gió thổi tới được những vị trí khó.

Hai loại quạt thông dụng hiện nay là đệm bi (Ball Bearing) hoặc đệm bọc (Sleeve Bearing). Quạt đệm bọc rẻ tiền hơn và chạy êm hơn nhưng độ bền không cao. Những dòng giá thấp nhất thường chỉ có bộ đệm đơn giản bằng vật liệu xốp có chất bôi trơn. Motor của quạt quay bên trong vòng đệm và được bôi trơn nhờ chất nhờn chứa trong lớp xốp. Quạt sử dụng đệm bi có giá cao hơn so với đệm bọc nhưng có nhiều ưu điểm vượt trội như tốc độ quay cao hơn, thời gian họat động lâu dài. Về cấu trúc, đệm bi là một cấu trúc bao quanh trục quay gồm nhiều viên bi nhỏ giúp giảm ma sát.

Khi mua quạt đệm bi, bạn cần chú ý kĩ một chi tiết: nếu như nhãn quạt chỉ ghi là Ball Bearing, bạn sẽ chỉ có một sản phẩm sử dụng kết hợp cả đệm bi và đệm bọc. Một quạt thông thường cần 2 bộ đệm để quay được và những sản phẩm thông thường đi kèm tản nhiệt chỉ có một bộ đệm bi mà thôi. Những loại quạt lớn và thực sự tốt phải có nhãn “Two Ball” hoặc “Dual Ball Bearings”. Ngoài ra, quạt đệm bi cũng có tuổi thọ cao hơn quạt đệm bọc rất nhiều. Tuổi thọ của các loại quạt đệm bọc chỉ vào khoảng 6 tháng. Một bí quyết để suy đoán chất lượng quạt là cẩn thận lắng nghe âm thanh khi nó đang hoạt động. Quạt tốt sẽ không phát âm thanh gì lạ ngoài tiếng gió. Những âm thanh cót két hay vo ve thường phát ra do chất lượng motor không tốt. Một số nhà sản xuất có những dòng sản phẩm dùng đệm bọc với chất liệu teflon cũng có độ bền cao ngang đệm bi và êm ái hơn nhưng giá khá cao. Nếu thích các sản phẩm hiệu suất cao và không quan tâm đến tiếng ồn, bạn nên hướng vào những chiếc quạt có tốc độ quay từ 7000 vòng/phút hoặc hơn. Quạt có tốc độ quay dưới 4000 vòng/phút thường khá êm. Số lượng cánh và kích thước quạt cũng đóng vai trò quyết định tới độ ồn. Bạn cũng có thể bắt gặp những loại quạt có thiết kế rất độc đáo nhằm tăng hiệu suất tải khí ví dụ như Dual Storm của CoolerMaster.

Dùng tản nhiệt quạt là ta phải sống chung với tiếng ồn; kể cả những loại quạt cao cấp. Một số loại quạt kém chất lượng thậm chí còn gây ra chấn động rung, rất có hại cho hệ thống, đặc biệt với những thiết bị nhạy cảm như đĩa cứng. Khi cầm một chiếc quạt đang hoạt động, bạn phải không có cảm giác rung nào thì đó mới là món hàng tốt.

Một điểm đáng chú ý là quạt với cánh kích thước lớn và tốc độ quay thấp sẽ đỡ ồn hơn quạt nhỏ quay ở tốc độ cao mặc dù tương đương về hiệu suất tải khí.

Đơn vị đo hiệu quả một bộ quạt là CFM (Cubic Feet per Minute), quạt CPU có kích thước 50x10mm thường vào khoảng 10CFM, nếu tốc độ quay ở mức 6000 vòng/phút thì CFM sẽ còn cao hơn. Quạt 60x20mm có trị số này khoảng 20-30 CFM và 80x25mm vào khoảng 30-40 CFM. Một số loại quạt 120mm có khả năng đạt tới 100CFM. Điều chú ý mỗi khi bạn chọn mua một chiếc quạt là phải cân bằng được hiệu năng và độ ồn vốn tỉ lệ nghịch với nhau.

4. Nhiệt phải di chuyển tốt bên trong khối kim loại tản nhiệt:

Những lá tản nhiệt có to đến đâu cũng sẽ trở thành vô nghĩa nếu như nhiệt không lan tỏa được đến chúng. Chính vì thế mà một bộ tản nhiệt tốt phải được thiết kế sao cho nhiệt tỏa ra từ nguồn nhiệt di chuyển đều tới mọi vị trí trên lá tản nhiệt. Trong số những lựa chọn mà bạn có thể tìm được trên thị trường hiện nay, có thể nói ống dẫn nhiệt (Heatpipe) được đánh giá cao nhất.

Ống dẫn nhiệt được sử dụng ngày càng phổ biến. Chúng ta bắt gặp công nghệ này ở nhiều nơi như máy tính xách tay, máy chơi game và thậm chí là đâu đó trong những hệ thống máy tính hiện đại. Lý do chính khiến cho ống dẫn nhiệt ngày càng thông dụng là do giá thành đã giảm đáng kể. Khi được áp dụng vào thế giới máy tính, ống dẫn nhiệt thực sự đã tạo một bước đột phá về công nghệ làm mát. Tuy vậy rất ít người dùng hiểu được nguyên tắc hoạt động cũng như cấu trúc của nó.

Trước tiên, ống dẫn nhiệt là một thiết bị với khả năng truyền tải nhiệt rất tốt hoạt động theo nguyên lý vật lý đơn giản: sự bay hơi chất lỏng. Năng lượng dưới dạng nhiệt phải được đưa ra khỏi bề mặt CPU và truyền vào chất lỏng bên trong ống, chất lỏng nóng lên và di chuyển lên phía trên rồi được làm mát nhờ các lá tản nhiệt phía bên ngoài. Sau khi nhiệt độ hạ xuống thấp, khối chất lỏng đó lại hạ xuống phía dưới ống để tiếp tục hấp thu nhiệt. Quy trình này diễn ra liên tục không ngừng và ống dẫn nhiệt như một máy bơm hút nhiệt từ đầu này chuyển ra đầu kia. Tuy nhiên khác với Peltier TEC giới thiệu trong bài “Tản nhiệt nước có gì hay” (ID: A0512_130), ống dẫn nhiệt không tiêu tốn năng lượng cũng như hoàn toàn không tự tỏa nhiệt. Nó cũng không có khả năng làm mát một thiết bị xuống thấp hơn nhiệt độ môi trường. Đặc biệt khi nhiệt độ lên quá cao (trên 100 độ), tác dụng dẫn nhiệt sẽ mất đi do chất lỏng bên trong ống hoàn toàn bay hơi. Nhà sản xuất nếu muốn khắc phục lỗi này thì buộc phải sử dụng chất lỏng có nhiệt độ bay hơi cao.

Tất nhiên không thể phủ nhận hiệu quả tuyệt vời mà ống dẫn nhiệt mang lại, trong hệ thống tản nhiệt máy tính, nó đóng vai trò dàn trải nhiệt đều trên các góc và nhờ thế hiệu suất làm mát tổng thể được cải thiện rất nhiều. Những loại ống dãn sử dụng trên máy tính đều là loại ống giá rẻ, tuy không so sánh được với sản phẩm công nghiệp nhưng nếu xét riêng trên máy tính thì toàn bộ các giải pháp tản nhiệt khí sử dụng ống dẫn nhiệt đều được xếp vào hạng cao cấp như CoolerMaster Hyper 6/Hyper 48/ Hyper L3, Zalman CNPS9500…

5. Tương thích socket và quy trình lắp đặt thuận tiện:

Những tản nhiệt “hàng hiệu” thường cho phép bạn lắp trên nhiều đế CPU khác nhau (Socket 478/604/775/754/939/940…) nên không ngại chuyện nâng cấp bo mạch chủ, CPU. Yêu cầu lắp ráp tản nhiệt vào CPU cũng rất quan trọng vì tiếp xúc giữa hai thành phần này phải đủ chắc nhưng không được quá chặt gây gãy các chốt giữ. Thông thường những tản nhiệt sử dụng vít bắt tốt hơn là chốt giữ vì áp lực lên các góc tản nhiệt được phân tán đều. Tuy vậy các loại bắt vít thường yêu cầu tháo bo mạch chủ ra khỏi thùng máy khi thực hiện quy trình lắp ráp.

f. Phân loại tản nhiệt

Để phân loại tản nhiệt, người ta thường căn cứ vào phương thức sản xuất và hình dạng cuối cùng của nó:

 

– Dập (Stamping): Đồng hoặc nhôm lá được dập thành hình dạng theo yêu cầu, đây là loại hình chế tạo rẻ tiền nhất nên thích hợp cho những hợp đồng sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên sản phẩm thường có hiệu quả không cao nên chỉ sử dụng cho các trường hợp chip tỏa ít nhiệt như những hệ máy tính giá phổ thông.

– Dãn (Extrusions): Đây là giải pháp được nhiều nhà sản xuất ứng dụng nhất hiện nay, cho phép chế tạo các lá kim loại dài, mỏng. Các bước thực hiện bao gồm ép chặt kim loại lỏng trong một khoang kín nhờ áp lực cơ học hoặc thủy lực. Sau khi nguội trở lại, nó sẽ được cắt nhỏ thành những miếng tản nhiệt theo đúng kích thước cần thiết dựa trên các số đo tiêu chuẩn của bo mạch chủ.

– Rèn (Cold Forged): Kim loại được nung nóng chảy và ép thành hình dạng tản nhiệt thông qua áp suất. Tuy hiệu quả sản phẩm rất cao nhưng nhà sản xuất ít khi sử dụng kĩ thuật này do chi phí khá cao.

– Uốn và gắn (Bonded Fin): Hầu hết tản nhiệt khí đều có dạng vuông góc nên vẫn cản luồng gió dẫn tới, hệ quả là công suất tản nhiệt không được tối ưu. Vấn đề này có thể được giải quyết tốt nhất nếu các lá thép có dạng phù hợp nguyên lý khí động học. Nhà sản xuất đã thực hiện giải pháp gắn các lá thép dạng uốn vào một trục đế bằng hợp chất keo tổng hợp trộn lẫn bột nhôm. Quy trình này được sử dụng để tạo ra loại tản nhiệt chất lượng cao nhưng vấn đề là những mối nối tiếp giữa lá kim loại với trục chính phải thật hoàn hảo.

– Đổ khuôn (Die Cast): cách này ép kim loại vào khuôn với áp suất cực lớn (khoảng 1.450 PSI tới 30.500 PSI). Kết quả thu được là những bộ tản nhiệt với bề mặt cực nhẵn, đồng bộ và độ chính xác cao (sai lệch chưa tới 0,2% so với thiết kế).

– Lá thép cuộn (Folded Fin): Những múi lá thép mỏng bằng nhôm hoặc đồng cho diện tích tiếp xúc rất lớn và nhà sản xuất sử dụng chúng để gắn vào một đế phẳng hoặc đính trực tiếp lên bề mặt tỏa nhiệt nhờ keo tổng hợp. Phương thức này khá rắc rối và không cho hiệu quả cao do sự hạn chế khả năng dẫn nhiệt của lớp cách ly là keo dán.

– Phay/Tiện: Cho phép tạo ra những sản phẩm chất lượng cao nhất. Nguyên tắc chính là sử dụng máy công nghiệp để cắt các khối đồng thành hình dạng tản nhiệt. Giá thành của những bộ tản nhiệt thành phẩm không rẻ nên chúng được xếp vào hạng cao cấp.

VÀI THỦ THUẬT GIÚP TĂNG KHẢ NĂNG TẢN NHIỆT

1. Đánh bóng bề mặt đế

Một bộ tản nhiệt tốt phải có mặt đế thật nhẵn. Bạn cũng có thể sử dụng giấy nhám để làm sạch bề mặt tiếp xúc. Thông thường bạn có thể xác định điều này qua độ bóng như hình dưới đây:

Bạn thắc mắc tại sao lại phải đánh bóng bề mặt của tản nhiệt? Trong quá trình chế tác bằng máy công nghiệp, đại đa số các sản phẩm xuất xưởng đều có bề mặt gồ gề mặc dù có thể khi nhìn bằng mắt thường thì bề mặt đó hoàn toàn phẳng. Chính những điểm lồi lõm đó sẽ làm không khí bị ứ lại giữa tản nhiệt và CPU cản trở việc truyền tải nhiệt. Quá trình đánh bóng sẽ làm cho bề mặt nhẵn hơn, cho phép tiếp xúc giữa CPU và tản nhiệt tốt hơn mặc dù sau khi đánh bóng những vết lồi lõm vẫn còn. Bạn có thể đánh bóng tản nhiệt hay một số thứ khác như TEC, Waterblock… Chỉ cần nhớ rằng kim loại mềm sẽ dễ bị đánh mòn hơn kim loại cứng.

Để thực hiện, bạn cần một số công cụ bao gồm:

+ Giấy nhám khô từ 400, 600, 1000,1500, 2000, bạn nên cố gắng tìm mua đủ các số để hiệu quả công việc được tốt nhất.

+ Một bề mặt thật phẳng (sàn nhà, mặt bàn, mặt thủy tinh…).

+ Nước rửa chén đặc.

+ Nước.

Thời gian là yếu tố rất quan trọng trong quá trình đánh bóng. Trung bình bạn cần khoảng 30 phút để hoàn tất công việc nhưng nếu muốn có kết quả tốt nhất thì 2 tiếng đồng hồ mới là tạm đủ. Tính kiên nhẫn và cẩn thận sẽ quyết định chất lượng công việc, sự vội vàng sẽ đem lại kết quả tồi tệ hơn ban đầu.

Khởi động công việc, bạn sử dụng loại giấy nhám nhất mang số 400 để đánh thật đều bề mặt tản nhiệt rồi lặp lại với giấy nhám chỉ số lớn hơn.

+ Đầu tiên bạn nhúng giấy nhám vào nước (nóng hay lạnh), tiếp theo hãy nhỏ nước rửa chén lên bề mặt của tản nhiệt (chỉ nhỏ lên bề mặt định đánh bóng) rồi đặt nó lên mặt giấy nhám ẩm.

+ Giữ tản nhiệt ở hai bên rồi chậm rãi chà lên xuống theo chiều dọc. Chú ý không nhấn hay tạo bất cứ áp lực nào vì như thế dễ gây ra sự mất cân đối làm lệch bề mặt phẳng của tản nhiệt.

+ Sau khoảng 10 lần chà, bạn quay tản nhiệt 90 độ và tiếp tục công việc cho tới khi quay đủ 1 vòng. Hãy nhớ luôn giữ giấy nhám thật ẩm và nước rửa chén không bị khô hết.

Lặp lại liên tục quá trình trên lần lượt với các loại giấy số cao hơn cho tới khi bạn dùng loại giấy nhám 2000. Khi đó coi như công việc đã hoàn tất, bạn rửa sạch tản nhiệt bằng nước rồi lau khô. Nếu lắp vào thử nghiệm, bạn sẽ thấy nhiệt độ hạ thấp khoảng 5 độ C (tất nhiên kết quả cụ thể có thể khác tùy chất lượng tản nhiệt cũng như độ khéo tay của bạn).

2. Sử dụng kem dẫn nhiệt

Không đơn giản chỉ là bôi và dàn rộng ra bề mặt, việc sử dụng kem dẫn nhiệt đúng cách sẽ tăng cường đáng kể hiệu quả của bộ tản nhiệt. Để sử dụng kem đúng cách, bạn phải tuân theo những quy trình và điểm quan trọng sau đây:

a. Chú ý cơ bản trước khi thao tác

– Mặc dù tất cả các loại kem dẫn nhiệt tốt đều được thiết kế cách điện nhưng bạn vẫn tránh để nó dính vào các thành phần nhạy cảm của máy tính như bộ xử lý, RAM hay các điểm tiếp xúc trên bo mạch chủ do nhiều trường hợp bụi từ ngoài thổi vào lẫn với kem làm tăng khả năng dẫn điện lên rất nguy hiểm.

– Chỉ được sử dụng một loại kem dẫn nhiệt duy nhất giữa đế tản nhiệt và bề mặt CPU, không trộn lẫn nhiều loại kem để tránh phản ứng phụ. Bạn cũng phải làm sạch hoàn toàn các lớp vật liệu dẫn nhiệt khác thường hay đính kèm tản nhiệt mặc định trước khi lau sạch bằng aceton rồi bôi kem.

– Tuyệt đối không sử dụng các chất tẩy rửa dạng dầu vì tính chất không bay hơi của chúng. Dầu không bay hơi sẽ trám các khe hở nhỏ giữa 2 bề mặt và trở thành lớp cách ly ngăn cản truyền nhiệt.

– Khi gỡ các tấm vật liệu cách nhiệt, bạn không nên dùng nước nóng vì nó sẽ chảy ra.

– Nên rửa tay sạch trước bằng xà phòng thông thường trước khi thao tác. Tuyệt đối không sử dụng những loại bột giặt hay chấy tẩy nồng độ cao.

b. Bôi kem lên bề mặt chip

– Thao tác với chip có nhân lõi kích thước nhỏ:

Những loại chip nhân nhỏ thường thấy nhất là Intel Pentium III cũ, Athlon XP của AMD; chip di động như Intel Pentium M và AMD Turion.

+ Dọn sạch bề mặt bằng những chất lau rửa dạng cồn hoặc aceton. Chú ý sử dụng khăn mềm (loại thường dùng lau màn hình hoặc ống kính máy ảnh) và tuyệt đối không chạm tay vào bề mặt nhân vì những tế bào chết hoặc mồ hôi tay sẽ ngăn cản kem dẫn nhiệt tiếp xúc trực tiếp với mặt kim loại.

+ Nếu kem dẫn nhiệt chứa trong xi lanh nhỏ, hãy bơm ra một chút để đảm bảo lấy phần keo nguyên không bị khô hay chảy nước bên trong rồi bôi một lượng vừa đủ lên bề mặt nhân chip.

+ Sử dụng thẻ nhựa (thẻ điện thoại, thẻ ATM) để dàn đều kem ra bề mặt.

– Thao tác với chip có lớp thép bảo vệ (Intel Pentium 4 hoặc Athlon 64/Sempron64):

+ Bạn cũng chùi sạch bề mặt CPU bằng hóa chất giống như đã nói trên.

+ Bôi một chút kem lên chính giữa bề mặt CPU rồi đặt tản nhiệt lên. Ấn nhẹ xuống và xoay theo theo cả hai chiều thuận và ngược chiều kim đồng hồ.

+ Sau khi có cảm giác xoay thật trơn, bạn nhấc tản nhiệt lên bằng cách trượt nhẹ sang bên (tránh nhấc lên trực tiếp vì bạn có thể sẽ nhấc cả CPU ra khỏi socket) và kiểm tra lại bề mặt chip, nếu như kem chưa che kín bề mặt CPU, bạn lau đi và thực hiện lại với một lượng kem nhiều hơn.

c. Đối với tản nhiệt

+ Bạn bôi một chút kem lên đế của tản nhiệt rồi bọc tay bằng bao nylon, xoa nhẹ để keo ra đều khắp bề mặt, trám vào các khe trống cũng như kẽ hở nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy.

+ Sau khi đã bôi đều, bạn lấy khăn mềm lau sạch bề mặt đế ( chú ý không dùng hóa chất). Màu sắc đế tản nhiệt có thể sẽ thay đổi do các phần tử kem đã trám kín các ô trống nhỏ.

d. Hoàn tất công việc

+ Bạn kiểm tra thật kĩ bề mặt CPU cũng như đế tản nhiệt để đảm bảo không có vật lạ như sợi lông nhỏ hay bụi lẫn vào.

+ Đặt tản nhiệt lên CPU theo đúng hướng dẫn đi kèm sản phẩm.

+ Ấn nhẹ tản nhiệt và gài chốt. Chú ý nếu cần điều chỉnh vị trí chốt bạn nên đảm bảo cố định vị trí của khối tản nhiệt với CPU chứ không được nhấc lên hay đặt xuống một khi đã có sự tiếp xúc đầu tiên.

+ Với các vết kem dính, bạn dùng hóa chất gốc rượu nồng độ cao để tẩy sạch.

+ Lượng kem dư trong ống bạn có thể bảo quản ở tủ lạnh hoặc phòng điều hòa; hay ở những nơi ít bụi và mát mẻ.

e. Kiểm tra

– Sau khi lắp xong tản nhiệt, bạn bật máy tính lại và kiểm tra nhiệt độ các thành phần thông qua BIOS hoặc một số phần mềm trong Windows như SpeedFan (www.almico.com) hay Sisoft Sandra (www.sisoftware.net/). Nếu nhiệt độ báo cao hơn so với ban đầu, hãy thực hiện các bước trên lại từ đầu.

– Nếu khi sờ tay, tản nhiệt nóng hơn trước khi bôi kem thì đó là tín hiệu mừng do hiệu suất truyền nhiệt giữa CPU và khối kim loại đã được cải thiện. Tuy nhiên có nhà sản xuất khuyến cáo phải chờ vài ngày để hiệu quả của kem dẫn nhiệt thực sự phát huy 100%.

LỜI KẾT

Với tốc độ phát triển chóng mặt của những thế hệ CPU mới như hiện tại, vấn đề tản nhiệt đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Bạn sẽ hỏi liệu đến lúc nào đó tản nhiệt khí không còn đủ khả năng làm mát BXL? Hiện tại, câu trả lời rất đơn giản: cho tới khi nào những giải pháp tản nhiệt nước vẫn có giá quá cao và lắp đặt còn rắc rối thì tản nhiệt khí với ưu thế giá rẻ và lắp đặt đơn giản vẫn còn là lựa chọn phù hợp cho mọi người.

Bài viết liên quan
ĐẶT LỊCH
MIỄN PHÍ
HOTLINE
09 241 242 43
ĐẶT LỊCH
MIỄN PHÍ
HOTLINE
09 241 242 43